Mèo bị giun: Nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị

Mèo bị giun: Nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị

NGUYỄN THỊ BÍCH HUYỀN
Thứ Sáu, 20/09/2024
Nội dung bài viết

Mèo là loài thú cưng phổ biến và được yêu quý bởi sự đáng yêu, hiền lành. Tuy nhiên, cũng như nhiều loài vật nuôi khác, mèo có thể gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó nhiễm giun là một trong những tình trạng thường gặp nhất. Giun sán có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mèo nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy ở nội dung dưới đây Helipet sẽ cùng chủ nuôi tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu, mức độ nguy hiểm và đưa ra giải pháp xử lý khi mèo bị giun hiệu quả.

1. Vì sao mèo bị giun?

Mèo bị nhiễm giun có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chủ yếu nhất là do:

  • Môi trường bẩn: Mèo có thể bị nhiễm giun khi tiếp xúc với môi trường bẩn, đặc biệt là đất cát có chứa trứng giun. Loại trứng này có thể tồn tại trong môi trường nhiều tháng, thậm chí cả năm. Chỉ cần mèo vô tình liếm chân hoặc cơ thể sau khi tiếp xúc với đất bẩn, trứng giun có thể xâm nhập vào cơ thể.

  • Ăn phải thức ăn bẩn: Thức ăn không đảm bảo vệ sinh hoặc chứa mầm bệnh cũng là nguyên nhân khiến mèo bị giun. Đặc biệt, các thức ăn sống như thịt sống, cá sống, hoặc các loài động vật nhỏ mà mèo săn bắt được ngoài tự nhiên đều có nguy cơ nhiễm giun sán cao.

  • Tiếp xúc với con vật khác: Thú cưng bị giun có thể lây nhiễm cho nhau khi tiếp xúc gần gũi. Nếu một con mèo hay chó trong nhà bạn bị giun, rất dễ dàng lây lan qua các hành động như liếm lông, chơi đùa hoặc chia sẻ chậu cát vệ sinh.

  • Từ mẹ sang con: Mèo con có thể bị nhiễm giun từ mèo mẹ thông qua sữa. Đây là con đường lây nhiễm phổ biến ở mèo con, đặc biệt khi mèo mẹ chưa được tẩy giun trước khi mang thai.

  • Côn trùng ký sinh: Một số loài côn trùng ký sinh như bọ chét cũng có thể là trung gian lây truyền giun. Khi mèo bị cắn hoặc nuốt phải bọ chét, trứng giun có thể xâm nhập vào hệ tiêu hóa và phát triển thành giun trưởng thành.

  • Một số trường hợp hiếm gặp, mèo có thể nhiễm giun tim qua vết đốt của muỗi mang ấu trùng giun, mặc dù tình trạng này phổ biến hơn ở loài chó.

mèo bị giun

Mèo có thể lây giun từ nhau hoặc từ các con vật khác

2. Các loại giun thường gặp ở mèo

Mèo có thể bị nhiễm nhiều loại giun khác nhau, nhưng phổ biến nhất là các loại sau:

  • Giun đũa: Giun đũa là loại giun tròn phổ biến ở mèo, đặc biệt là mèo con. Giun đũa ở mèo có thể dài từ vài cm đến hơn 10 cm khi trưởng thành, sống ký sinh trong ruột non của mèo và hấp thụ chất dinh dưỡng từ cơ thể mèo.

  • Giun móc: Là loại giun nhỏ, thường ký sinh trong đường ruột của mèo. Chúng dùng móc để bám vào thành ruột và hút máu, gây thiếu máu và suy nhược ở mèo.

  • Sán dây: Sán dây là một trong những loại giun thường gặp nhất ở mèo. Chúng có hình dạng dài, phẳng và được chia thành từng đoạn ngắn, nhìn giống như hạt gạo. Chiều dài tổng thể của sán dây có thể lên tới 20 cm hoặc hơn. Sán dây xâm nhập vào cơ thể mèo khi chúng ăn phải các loài động vật bị nhiễm trứng sán dây như chim hoặc bọ chét.

  • Giun tóc: Trong số các loại giun sán, giun tóc có kích thước nhỏ nhất, chỉ khoảng 0,6 cm. Chúng thường sống trong ruột già và đại tràng của mèo, gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan này. Đây là một trong những loài giun gây hại lớn nhất đối với sức khỏe mèo.

  • Giun tim: Đúng như tên gọi, loại giun này sống chủ yếu trong tim và động mạch phổi của mèo. Chúng lây lan thông qua vết cắn của muỗi mang ấu trùng giun, khác với những loại giun khác lây qua đường tiêu hóa. Sau khi xâm nhập, giun tim di chuyển trong cơ thể mèo khoảng 6 tháng trước khi định cư trong hệ tuần hoàn. Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tim mạch của mèo.

3. Nhận biết mèo bị giun như thế nào?

3.1 Qua triệu chứng lâm sàng

Mèo bị giun thường có những triệu chứng sau:

  • Suy nhược, giảm cân: Dù ăn nhiều nhưng mèo vẫn bị giảm cân nhanh chóng, do giun trong cơ thể mèo tiêu thụ hầu hết chất dinh dưỡng.

  • Bụng to, phình: Đặc biệt ở mèo con, giun đũa có thể làm bụng mèo bị căng to dù cơ thể suy nhược.

  • Đi ngoài phân lỏng, có máu: Giun móc có thể gây tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc phân có máu.

  • Nôn mửa: Mèo bị giun đũa hoặc giun sán nặng thường có triệu chứng nôn mửa, thậm chí nôn ra cả giun.

  • Lông xơ xác, kém mượt: Giun sán hút hết dinh dưỡng, khiến lông mèo trở nên khô ráp và mất đi độ bóng mượt tự nhiên.

mèo bị giun

Giun sán ký sinh trong cơ thể gây nên tình trạng suy nhược ở mèo

3.2 Qua xét nghiệm/ thăm khám

Để xác định chính xác mèo bị giun, bạn có thể đưa mèo đến các phòng khám thú y để thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm phân: Phân mèo sẽ được xét nghiệm dưới kính hiển vi để tìm trứng giun hoặc các mảnh sán dây. Đây là phương pháp phổ biến nhất để phát hiện giun.

  • Xét nghiệm máu: Trong một số trường hợp, xét nghiệm máu có thể phát hiện các chất hóa học do giun tạo ra hoặc kiểm tra tình trạng thiếu máu do giun móc gây ra.

  • Siêu âm hoặc X-quang: Với các trường hợp nghi ngờ mèo bị nhiễm giun đũa hoặc sán dây nặng, siêu âm hoặc X-quang có thể giúp phát hiện các ổ giun lớn trong ruột mèo.

4. Mèo bị giun sán có nguy hiểm không?

Giun sán ở mèo không chỉ gây khó chịu mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời:

  • Suy dinh dưỡng: Giun hút hết các dưỡng chất trong ruột mèo, khiến mèo bị suy dinh dưỡng dù ăn uống bình thường. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với mèo con đang trong giai đoạn phát triển.

  • Thiếu máu: Giun móc gây tổn thương thành ruột và hút máu trực tiếp, dẫn đến tình trạng thiếu máu và suy nhược.

  • Tắc ruột: Khi mèo bị nhiễm giun đũa hoặc sán dây với số lượng lớn, chúng có thể gây tắc nghẽn ruột, dẫn đến tình trạng đau bụng dữ dội và nôn mửa. Nếu không được can thiệp kịp thời, mèo có thể tử vong.

  • Lây nhiễm cho con người: Một số loại giun sán ở mèo, đặc biệt là giun đũa, có thể lây nhiễm sang người, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em có thể bị nhiễm giun khi tiếp xúc với đất hoặc cát chứa trứng giun hoặc khi chơi đùa với mèo mà không vệ sinh tay đúng cách.

mèo bị giun

Giun sán rất nguy hiểm đối với sức khỏe của mèo và chủ nuôi

5. Mèo bị giun sán phải làm sao?

Nếu các chủ nuôi đang lo lắng không biết liệu mèo bị sán phải làm sao thì hãy tham khảo các điều trị và chăm sóc mà Helipet chia sẻ dưới đây:

5.1 Về cách điều trị giun ở mèo

Điều trị mèo bị giun sán đòi hỏi sự kiên nhẫn và cẩn thận từ chủ nuôi. Dưới đây là quy trình điều trị giun ở mèo:

  • Sử dụng thuốc tẩy giun: Thuốc là phương pháp hiệu quả nhất để tiêu diệt giun sán trong cơ thể mèo. Tùy theo loại giun mà mèo mắc phải, bác sĩ thú y sẽ tư vấn loại thuốc phù hợp.

  • Theo dõi sức khỏe: Sau khi sử dụng thuốc, bạn cần theo dõi sức khỏe của mèo. Một số mèo có thể bị nôn hoặc tiêu chảy nhẹ sau khi uống thuốc, nhưng triệu chứng này thường không kéo dài.

  • Lặp lại tẩy giun định kỳ: Để đảm bảo mèo không bị tái nhiễm giun, bạn nên thực hiện tẩy giun định kỳ cho mèo từ 2-3 tháng một lần. Đặc biệt là với mèo sống trong môi trường có nhiều nguy cơ tiếp xúc với giun.

mèo bị giun

Sử dụng thuốc tẩy giun để loại bỏ giun sán ký sinh trong mèo

5.2 Cách chăm sóc sau khi mèo bị giun nặng

  • Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ: Sau khi điều trị giun, mèo cần được cung cấp chế độ dinh dưỡng giàu protein và khoáng chất để phục hồi sức khỏe. Bạn có thể bổ sung thêm các loại thức ăn giàu dinh dưỡng hoặc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ miễn dịch cho mèo.

  • Vệ sinh môi trường sống: Để ngăn ngừa mèo bị tái nhiễm giun, bạn cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chậu cát vệ sinh, giường nệm và khu vực sinh hoạt của mèo. Trứng giun có thể tồn tại lâu trong môi trường, do đó cần vệ sinh thật kỹ lưỡng.

  • Kiểm tra định kỳ: Định kỳ đưa mèo đi khám sức khỏe để phát hiện và điều trị sớm các bệnh tật, bao gồm cả giun sán. Kiểm tra phân và sức khỏe tổng quát của mèo giúp bạn yên tâm hơn về tình trạng sức khỏe của thú cưng.

mèo bị giun

Vệ sinh môi trường sống của mèo sạch sẽ để ngăn tái nhiễm giun

5.3 Cách phòng ngừa mèo bị giun

Để tránh cho mèo bị giun, chủ nuôi có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Tẩy giun định kỳ: Đây là biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa giun sán. Tùy vào độ tuổi và môi trường sống, bác sĩ thú y sẽ tư vấn lịch tẩy giun phù hợp cho mèo của bạn.

  • Kiểm soát bọ chét: Vì bọ chét là trung gian lây truyền sán dây, kiểm soát bọ chét trên mèo là rất cần thiết. Bạn có thể sử dụng các sản phẩm chống bọ chét như vòng cổ chống bọ, thuốc xịt, hoặc thuốc nhỏ gáy.

  • Hạn chế mèo săn bắt: Mèo nuôi trong nhà nên hạn chế tiếp xúc với các loài động vật hoang dã hoặc môi trường bẩn để tránh nguy cơ nhiễm giun.

Chủ nuôi cần nhớ là công việc chăm sóc sức khỏe cho “boss" không chỉ là cung cấp thức ăn và môi trường sống thoải mái, mà còn đòi hỏi sự quan tâm đến các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như giun sán. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng, và cách phòng ngừa mèo bị giun sẽ giúp “sen" phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe lâu dài cho các boss.

>> Xem thêm: Cho mèo ăn hạt nhiều có tốt không?

>> Xem thêm: Mèo bị viêm phổi là gì? Có nguy hiểm không? Chữa trị thế nào?

 Tags:
Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết

100% Hàng chính hãng

Có thể xuất hoá đơn VAT

Bảo hành chính hãng

Linh kiện chính hãng, đầy đủ

Trả Góp 0%

Hỗ trợ trả góp linh hoạt

Giao hàng hoả tốc

Giao hàng nhanh nội thành trong vòng 2 giờ