Nên tẩy giun cho mèo trước hay sau khi tiêm phòng?
NGUYỄN THỊ BÍCH HUYỀN
Thứ Năm,
09/01/2025
Nội dung bài viết
Tẩy giun cho mèo trước hay sau khi tiêm phòng là một câu hỏi phổ biến mà nhiều người nuôi mèo thắc mắc. Xác định đúng thời điểm phù hợp không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của mèo mà còn đảm bảo hiệu quả tối ưu từ cả việc tẩy giun và tiêm phòng. Vậy đâu là cách làm đúng và những lưu ý quan trọng cần biết? Cùng Helipet đi tìm lời giải đáp án qua bài viết dưới đây.
1. Khi nào nên tẩy giun cho mèo?
Tần suất tẩy giun cho mèo sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, môi trường sống và mức độ tiếp xúc với thiên nhiên hoặc những cộng đồng mèo lớn hơn. Dưới đây là lịch tẩy giun cho mèo chi tiết nhất:
-
Mèo trưởng thành sống trong nhà và ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên tẩy giun khoảng 6-12 tháng một lần.
-
Mèo trưởng thành nếu thường xuyên ra ngoài hoặc có tiếp xúc với động vật hoang dã, nên được tẩy giun ít nhất 3 tháng/lần. Tuy nhiên, tẩy giun hàng tháng được khuyến nghị nếu mèo dành nhiều thời gian ngoài trời.
-
Với những chú mèo sống trong môi trường đông đúc có thể cần lịch trình tẩy giun thường xuyên hơn.
Với mèo thường xuyên tiếp xúc với các loài vật khác, bạn nên tẩy giun ít nhất 3 tháng/lần
Mèo mẹ mang thai và cho con bú cần được tẩy giun đúng cách để tránh lây nhiễm giun sán cho mèo con qua nhau thai hoặc sữa như sau:
-
Trước khi phối giống: Bạn nên tẩy giun cho mèo mẹ khoảng một tháng trước khi phối giống để đảm bảo sức khỏe cho cả mèo mẹ và mèo con.
-
Trước khi sinh: Tẩy giun cho mèo mẹ từ 1 đến 2 tuần trước khi sinh để giảm nguy cơ lây nhiễm giun sán cho mèo con trong quá trình sinh nở.
-
Khi cho con bú: Mèo mẹ cần được tẩy giun và cả mèo con cũng nên được tẩy giun khi mèo mẹ đang trong giai đoạn cho con bú.
Riêng mèo con, do dễ nhiễm các loại giun như giun đũa, việc tẩy giun cần được thực hiện từ rất sớm. Để đảm bảo sức khỏe cho mèo con, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để lập lịch tẩy giun phù hợp. Dưới đây là mốc thời gian chung dành cho mèo con:
-
4 - 6 tuần tuổi: Bắt đầu tẩy giun lần đầu.
-
8 tuần tuổi: Thực hiện tẩy giun lần thứ hai.
-
12 tuần tuổi: Tiếp tục tẩy giun lần thứ ba.
-
Từ 12 tuần đến 6 tháng tuổi: Tẩy giun định kỳ 4 tuần/lần.
-
Sau 6 tháng tuổi: Tẩy giun mỗi 1 - 3 tháng/lần, tùy theo môi trường sống và thói quen sinh hoạt.
Thuốc nhỏ gáy trị ve rận và giun DR.VET cho mèo |
Lịch tẩy giun cho mèo con cần đảm bảo thực hiện từ sớm để đảm bảo sức khỏe cho mèo
2. Tẩy giun cho mèo trước hay sau khi tiêm phòng?
Việc tẩy giun cho mèo trước hay sau khi tiêm phòng là một vấn đề quan trọng cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo sức khỏe tối ưu cho thú cưng. Trước khi đi tìm câu trả lời, bạn cần nắm rõ các loại vaccine và lịch tiêm phòng cho mèo chính xác nhất.
Các loại vắc xin cần tiêm cho mèo bao gồm:
-
Giảm bạch cầu
-
Viêm mũi – khí quản truyền nhiễm
-
Bệnh hô hấp do Herpes Virus
-
Bệnh do Calicivirus
Lịch tiêm vaccine cho mèo khi còn nhỏ đến trưởng thành
-
Mèo từ 6 - 7 tuần tuổi: Tiêm mũi vacxin phòng 3 bệnh: viêm mũi – khí quản truyền nhiễm, bệnh hô hấp do Herpes Virus, và bệnh hô hấp do Calicivirus.
-
Mèo 9 tuần tuổi: Tiêm mũi vacxin phòng 3 bệnh: giảm bạch cầu, viêm mũi – khí quản truyền nhiễm, và bệnh hô hấp do Herpes Virus.
-
Mèo 12 tuần tuổi: Tiêm mũi vacxin phòng 4 bệnh: giảm bạch cầu, viêm mũi – khí quản truyền nhiễm, bệnh hô hấp do Herpes Virus, và bệnh hô hấp do Calicivirus.
-
Mèo 16 tuần tuổi: Tiêm mũi vacxin phòng bệnh dại.
-
Sau đó, tiêm nhắc lại hàng năm để duy trì hiệu quả phòng bệnh.
Bạn nên tẩy giun cho mèo trước hay sau khi tiêm phòng?
Với mỗi lần tiêm phòng, nhiều sen sẽ không khỏi thắc mắc rằng nên tẩy giun cho mèo trước hay sau khi tiêm phòng. Câu trả lời là bạn nên tẩy giun cho mèo TRƯỚC khi tiêm phòng với những khuyến cáo từ bác sĩ như sau:
-
Tăng cường hiệu quả của vaccine: Khi mèo không bị nhiễm giun, hệ miễn dịch của chúng hoạt động hiệu quả hơn, giúp cơ thể phản ứng tốt hơn với vaccine.
-
Giảm nguy cơ phản ứng phụ: Mèo bị nhiễm giun có thể gặp phản ứng phụ sau tiêm như sốt, mệt mỏi. Tẩy giun trước khi tiêm giúp giảm thiểu nguy cơ này.
-
Bảo vệ sức khỏe tổng thể: Việc tẩy giun định kỳ giúp ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến ký sinh trùng, đảm bảo sức khỏe cho mèo.
Lưu ý khi tẩy giun và tiêm phòng cho mèo:
-
Tẩy giun định kỳ: Đảm bảo tẩy giun cho mèo theo lịch trình phù hợp với độ tuổi và môi trường sống của chúng.
-
Kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm: Đảm bảo mèo hoàn toàn khỏe mạnh trước khi tiêm phòng.
-
Chọn cơ sở y tế uy tín: Lựa chọn phòng khám thú y có uy tín để đảm bảo chất lượng vaccine và dịch vụ.
-
Theo dõi sau tiêm: Quan sát mèo sau khi tiêm để phát hiện sớm các phản ứng phụ và xử lý kịp thời.
Bạn nên tẩy giun cho mèo trước khi tiêm phòng theo khuyến cáo từ bác sĩ
3. Nên tẩy giun cho mèo trước hay sau khi ăn?
Việc tẩy giun cho mèo trước hay sau khi ăn là một quyết định quan trọng liên quan đến việc tối ưu hóa hiệu quả của thuốc và giảm thiểu các tác dụng phụ không mong muốn. Mỗi loại thuốc tẩy giun sẽ có hướng dẫn dành riêng cho mèo, để đảm bảo an toàn, bạn nên tuân theo yêu cầu.
Dưới đây là lợi ích và hướng dẫn tẩy giun cho mèo trước và sau khi ăn mà bạn có thể tham khảo:
3.1 Tẩy giun cho mèo trước khi ăn
Một số loại thuốc tẩy giun, đặc biệt là dạng viên có thể hấp thụ nhanh và hiệu quả hơn khi dạ dày mèo trống rỗng. Khi mèo chưa ăn, dạ dày không có thức ăn, giúp thuốc được hấp thụ nhanh chóng mà không bị giảm hiệu quả do các thành phần trong thức ăn.
Hướng dẫn cho mèo tẩy giun trước khi ăn:
Cho mèo nhịn ăn ít nhất từ 4 - 6 giờ trước khi tẩy giun, giúp dạ dày trống rỗng. Nhịn ăn có thể giúp thuốc hoạt động hiệu quả hơn, đảm bảo sức khỏe cho mèo và giúp tiêu diệt giun sán tốt hơn.
Nếu tẩy giun cho mèo trước khi ăn, bạn nên cho mèo nhịn đói từ 4 - 6 giờ
3.2 Tẩy giun cho mèo sau khi ăn
Một số loại thuốc tẩy giun có thể gây kích ứng dạ dày nếu sử dụng khi mèo đói, dẫn đến các phản ứng như buồn nôn, nôn ói hoặc tiêu chảy. Điều này đặc biệt quan trọng đối với mèo có hệ tiêu hóa nhạy cảm.
Cho mèo ăn trước khi tẩy giun có thể giúp thuốc dễ dàng hấp thụ và mèo sẽ dễ dàng uống thuốc hơn mà không gặp phải khó khăn hoặc cảm giác khó chịu.
Hướng dẫn cho mèo tẩy giun sau khi ăn:
Nếu bạn chọn tẩy giun sau khi ăn, nên đợi ít nhất 1-2 giờ sau bữa ăn để dạ dày của mèo có đủ thời gian tiêu hóa thức ăn. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc.
Ngoài ra, hiện nay còn các loại thuốc tẩy giun dạng siro hoặc lỏng thường được trộn với thức ăn của mèo. Nếu mèo không thích uống thuốc trực tiếp, bạn có thể áp dụng phương pháp như sau:
-
Phương pháp 1: Bạn có thể cho thuốc vào một món ăn mà mèo thích để "lừa" mèo uống thuốc. Tuy nhiên, cách này thường không hiệu quả với mèo trưởng thành, vì chúng thường rất tinh ranh và dễ phát hiện ra điều gì đó khác biệt.
-
Phương pháp 2: Nghiền thuốc thành bột mịn và trộn vào thức ăn. Phương pháp này thích hợp với mèo con, vì chúng thường không nhạy cảm với mùi vị lạ.
-
Phương pháp 3: Nghiền thuốc thành bột mịn, hòa với nước, sau đó dùng xi lanh bơm trực tiếp vào cổ họng của mèo. Đây là phương pháp hiệu quả nhất, dù có thể khiến mèo cảm thấy khó chịu.
Một số loại thuốc tẩy giun bạn có thể trộn lẫn vào thức ăn cho mèo
4. Mèo bị giun có lây sang người không?
Mèo bị giun CÓ khả năng lây sang người, đặc biệt là trẻ nhỏ, người cao tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch yếu. Việc lây nhiễm thường xảy ra khi con người vô tình tiếp xúc với trứng hoặc ấu trùng giun qua môi trường bị nhiễm bẩn.
Giun sán ký sinh từ chó mèo có thể lây sang người qua nhiều con đường khác nhau, bao gồm:
-
Tiếp xúc trực tiếp với phân của chó mèo mang mầm bệnh.
-
Chạm vào đất hoặc nguồn nước bị ô nhiễm bởi phân chó mèo.
-
Vô tình tiêu thụ thực phẩm hoặc đồ uống có chứa mầm giun sán từ chó mèo.
Mèo bị nhiễm giun có khả năng lây san người và gây nguy hiểm đến sức khỏe nếu không điều trị kịp thời
Để phòng ngừa, bạn có thể áp dụng các biện pháp đơn giản sau:
-
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt trước khi ăn và sau khi chơi với chó mèo.
-
Tẩy giun và tiêm phòng định kỳ cho chó mèo để giảm nguy cơ lây nhiễm.
-
Huấn luyện chó mèo đi vệ sinh đúng nơi quy định để giữ vệ sinh môi trường.
-
Bảo quản thực phẩm ở nơi khô ráo, sạch sẽ, và che đậy kỹ càng để tránh nhiễm bẩn.
-
Đảm bảo nước uống và nước sinh hoạt được khử trùng kỹ trước khi sử dụng.
Vậy là Helipet đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “tẩy giun cho mèo trước hay sau khi tiêm phòng” qua bài viết trên. Tẩy giun không chỉ giúp cơ thể mèo khỏe mạnh hơn mà còn giảm nguy cơ tác dụng phụ từ vắc xin. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ thú y và thực hiện đúng lịch trình để đảm bảo "hoàng thượng" của bạn được chăm sóc tốt nhất!
>> Xem thêm: Giải đáp: Tẩy giun cho mèo trước hay sau khi ăn?
>> Xem thêm: Top các nhà vệ sinh cho mèo khử mùi tốt nhất hiện nay
>> Xem thêm: 10 dấu hiệu mèo bị ốm Sen cần ghi nhớ