Cách đỡ đẻ cho mèo tại nhà an toàn và hiệu quả
NGUYỄN THỊ BÍCH HUYỀN
Thứ Ba,
06/08/2024
Nội dung bài viết
Trong khoảnh khắc “lâm bồn”, sẽ thật khó khăn đối với những bạn chủ chưa có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng trong việc đỡ đẻ cho mèo mẹ. Trong bài viết này, Helipet chia sẻ một số cách nhận biết dấu hiệu mèo mẹ sắp sinh, và cách đỡ đẻ cho mèo một cách an toàn. Điều này sẽ giúp bạn ứng phó kịp thời khi mèo bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ bất ngờ.
1. Dấu hiệu nhận biết mèo sắp sinh
Những thay đổi rõ rệt được liệt kê dưới đây là dấu hiệu mèo mẹ chuyển dạ và chuẩn bị sinh con, gồm:
1.1 Thay đổi hành vi
Mèo mẹ trở nên bất thường, thường xuyên cảm thấy bồn chồn, lo lắng, chán ăn, lười vận động và đi lại nhiều lần trong nhà để tìm ổ đẻ cho chúng. Thường bạn sẽ thấy mèo trốn trong hộp carton, tủ quần áo hay góc tối yên tĩnh trong nhà. Những hành vi này là hoàn toàn bình thường và là bản năng của một mèo mẹ khi chuẩn bị chào đón những thành viên mới của mình.
Mèo cảm thấy lo lắng và đi tìm ổ đẻ cho mình khi sắp sinh
1.2 Thay đổi hơi thở
Những cơn co thắt tử cung dữ dội báo hiệu giờ sinh đến gần khiến mèo mẹ khó chịu và liên tục kêu rên. Hơi thở của chúng trở nên gấp gáp hơn bình thường và ngắt quãng theo từng cơn đau quặn.
1.3 Thay đổi vóc dáng
Trước khi sinh 1 - 2 ngày, bụng bầu của mèo phình to và căng tròn hơn rõ rệt. Núm vú trở nên hồng hào, sưng lên và có thể tiết ra một ít sữa. Đây là dấu hiệu giờ sinh đã cận kề.
1.4 Thay đổi về lông
Bộ lông mèo mẹ trước khi có dấu hiệu sắp sinh thường trở nên khô, xơ và cứng. Nhiều mèo còn rụng lông quanh vùng bụng để tạo khu vực mềm mại cho con của chúng bú sữa.
>>> Xem thêm: Mèo chuyển dạ trong bao lâu thì sinh?
2. Cách đỡ đẻ cho mèo tại nhà an toàn
Quá trình đỡ đẻ cho mèo mẹ đòi hỏi sự kiên nhẫn và ân cần ở phía “sen”. Khi nhận thấy những dấu hiệu của việc chuyển dạ đã nêu ở trên, bạn cần chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết cùng kiến thức về cách đỡ đẻ cho mèo. Cần đảm bảo sao cho mèo con được chào đời trong môi trường thuận lợi và an toàn. Dưới đây là bước thực hiện hỗ trợ mèo mẹ trong quá trình hạ sinh những đứa con yêu quý của mình:
2.1 Dụng cụ cần chuẩn bị cho mèo trước khi sinh
Để chắc chắn hành trình sinh nở của mèo bầu diễn ra an toàn và suôn sẻ, bạn cần chuẩn bị trước đầy đủ các vật dụng thiết yếu, bao gồm:
Chuẩn bị đủ dụng đủ cần thiết trước khi đỡ đẻ cho mèo tại nhà
2.1.1 Chỗ sinh đẻ cho mèo mẹ
Trước khi sinh, mèo mẹ cần một nơi yên tĩnh, ấm áp và thoải mái để làm ổ và an tâm sinh con. “Sen” có thể tận dụng thùng carton hoặc giỏ có lót thảm mềm để giữ ấm cơ thể mèo mẹ. Và đảm bảo rằng khu vực này đủ rộng, sạch sẽ để mèo mẹ và cả mèo con thoải mái nằm ở trong.
2.1.2 Bình nước ấm
Cung cấp nước ấm cho mèo bầu trong giai đoạn mang thai, đặc biệt, là giai đoạn cuối rất quan trọng. Nước ấm tốt cho dạ dày và tử cung mèo mẹ, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt và luôn giữ cơ thể có đủ nước để sản xuất sữa cho mèo con.
2.1.3 Khăn ấm
Mặc dù mèo mẹ tự làm sạch chất nhầy bao quanh cơ thể mèo con sau khi sinh, tuy nhiên, “sen" vẫn nên dùng khăn ấm lau sạch lại, giúp loại bỏ hoàn toàn chất nhầy, mở đường thở cho mèo con và ngăn ngừa nhiễm trùng. Ngoài ra, dùng khăn ấm quấn quanh cơ thể mèo con để giữ ấm và điều hòa lại thân nhiệt, rất cần thiết trong giai đoạn đầu mèo vừa mới chào đời.
2.1.4 Găng tay bảo hộ
Để tránh lây nhiễm và đảm bảo vệ sinh, an toàn khi tiếp xúc với mèo con. Đồng thời còn bảo vệ “sen” khỏi những vết cào của boss có thể xảy ra trong quá trình chăm sóc.
2.1.5 Kéo y tế
Dùng vào những lúc mèo mẹ không thể tự cắt dây rốn cho mèo con. Lưu ý: Cần khử trùng sạch sẽ dụng cụ trước khi sử dụng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn ảnh hưởng cơ thể mèo mẹ.
2.1.6 Nước muối sinh lý
Khi mèo mẹ gặp bất cứ trường hợp khó đẻ như không thể tự cắt dây rốn hay có dịch nhầy bất thường quanh vùng sinh sản, có thể dùng nước muối sinh lý làm sạch nhẹ nhàng khu vực đó.
2.2 Cách đỡ đẻ cho mèo tại nhà
Mèo mẹ có khả năng tự sinh con mà không cần đến sự giúp đỡ, bạn chỉ cần đứng từ xa quan sát và theo dõi. Tuy nhiên, đôi khi mèo có dấu hiệu bị đuối sức và cần sự trợ giúp của “sen”. Lúc này bạn nên can thiệp vào để quá trình sinh nở được tiếp tục và diễn ra thuận lợi.
Nắm vững cách đỡ đẻ cho mèo để ứng phó kịp thời trong tình huống bất ngờ
Hãy theo dõi các dấu hiệu bất thường như mèo mẹ cố rặn đẻ nhưng không ra được mèo con hay xuất hiện nhiều máu. Bạn cần can thiệp vào và lưu ý phải đeo găng tay bảo hộ để đảm bảo an toàn.
-
Đối với màng bọc mèo con: “Sen” cần cắt hoặc xé cẩn thận, sau đó dùng khăn ấm lau sạch chất nhầy trên người mèo con. Đặc biệt, làm sạch vùng mũi và miệng để kích thích hô hấp cho các thiên thần bé nhỏ này. Trong trường hợp mèo con chưa có dấu hiệu thở, hãy dùng lực tay xoa bóp nhẹ nhàng vùng ngực và bụng của chúng. Sau khi mèo con đã thở được, hãy đặt chúng nằm bên cạnh mèo mẹ để chúng tự tìm vú bú và cảm nhận được hơi ấm từ mẹ.
-
Trong trường hợp dây rốn không tự rụng: Nếu mèo mẹ không còn sức để tự cắn đứt dây rốn sau khi mèo con chào đời, bạn có thể dùng kéo y tế đã được khử trùng cắt dây rốn cách khoảng 1-2cm và buộc chặt bằng chỉ nha khoa, giúp ngăn ngừa máu chảy và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
-
Mèo mẹ bị xuất huyết nhiều: Khi thấy mèo mẹ chảy máu nhiều, cần đưa ngay đến phòng khám thú y để bác sĩ kiểm tra và xử lý.
-
Mèo con yếu ớt, không bú được: Nên cho mèo con bú sữa chuyên dụng dành cho mèo sơ sinh và pha đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ thú y.
2.3 Lưu ý khi đỡ đẻ cho mèo tại nhà
Để đảm bảo an toàn cho quá trình hạ sinh của mèo mẹ và con, ngoài việc nắm vững kiến thức về cách đỡ đẻ cho mèo, “sen” cần lưu ý những điều sau:
-
Khoảng cách giữa các lần đẻ từ 30 - 60 phút, tuy nhiên, khoảng cách này có thể thay đổi phụ thuộc vào từng giống mèo và số lượng mèo con trong bụng. Nhưng nếu thấy mèo mẹ mệt mỏi, rặn quá lâu nhưng không sinh được, hãy gọi ngay bác sĩ thú y để được trợ giúp hoặc đưa mèo đi kiểm tra.
Xử lý ngay khi mèo mẹ khó đẻ
-
Đối với trường hợp mèo khó đẻ: Nếu mèo con bị kẹt trong tử cung khoảng 10 phút nhưng chưa ra được, bạn có thể sử dụng găng tay để kéo nhẹ mèo con ra theo nhịp rặn của mèo mẹ. Tuyệt đối không được để mèo con bị kẹt quá lâu trong bụng mẹ vì có thể dẫn đến tắc mạch máu dây rốn, thiếu oxy cho mèo con thở. Trong trường hợp vẫn không thể nào kéo được mèo con ra ngoài, nên đưa mèo bầu đến bác sĩ thú y để được can thiệp kịp thời.
>>> Xem thêm: Mèo đẻ trong bao lâu thì xong? Dấu hiệu nhận biết mèo sắp đẻ
3. Cách nhận biết mèo đẻ sót con hay không?
Việc mèo đẻ sót con là tình huống bất thường và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nếu không phát hiện sớm và xử lý kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng xấu sau này cho mèo mẹ và cả mèo con. Cách xác định mèo mẹ có đẻ sót con hay không bằng cách quan sát một số dấu hiệu như:
3.1 Mèo thở dốc, kêu rên
Mèo mẹ thở nặng nhọc khi chuyển dạ là chuyện bình thường và chúng sẽ dịu lại sau khi đẻ xong. Nhưng nếu sau khi sinh vài bé đầu mà mèo mẹ vẫn còn thở dốc và kêu rên thì có vẻ “boss" đang tiếp tục rặn đẻ. Quan sát nếu thấy mèo vẫn còn thở hổn hển và chưa có dấu hiệu chuyển dạ đẻ thêm, nên liên hệ với bác sĩ thú y để có cách xử lý kịp thời.
Mèo mẹ kêu rên và thở nặng dọc là dấu hiệu mèo con vẫn chưa ra ngoài hết
3.2 Mèo rặn đẻ
Dù mèo con khá nhỏ bé, nhưng việc di chuyển qua đường sinh đòi hỏi mèo mẹ cần dùng nhiều sức lực và rặn nhiều lần. Khoảng thời gian giữa những lần sinh từ 30 - 60 phút. Và cứ mỗi lần sinh xong 1 đứa, mèo mẹ thường tự liếm và chăm sóc con của chúng, sau đó mới tiếp tục rặn đẻ. Khi thấy mèo mẹ vẫn còn cố rặn đẻ, đồng nghĩa với việc chúng vẫn chưa đẻ xong.
3.3 Số lượng mèo con ít hơn dự kiến
Trong hầu hết trường hợp, số lượng con đẻ thực tế và kết quả xét nghiệm siêu âm tương đối chính xác. Vậy nên, đừng vì quá phấn khích mà quên đếm số mèo con được sinh ra như trên hình ảnh siêu âm. Trong trường hợp mèo khó đẻ, cần nhờ sự giúp đỡ từ bác sĩ thú y để phẫu thuật lấy con ra.
Số lượng mèo con sinh ra đúng với kết quả siêu âm
3.4 Bụng vẫn còn căng
Sau khi sinh, bụng mèo thường xẹp xuống. Tuy nhiên, nếu bạn sờ vào bụng “boss" và thấy vẫn còn căng và cứng, chứng tỏ mèo mẹ chưa sinh hết và vẫn còn mèo con ở bên trong.
3.5 Mèo liếm bộ phận sinh dục
Sau khi mèo con được sinh ra ngoài, mèo mẹ sẽ tập trung liếm sạch màng bọc bao quanh để mèo con có thể tiếp nhận không khí để thở. Khi mèo mẹ thấy mèo con nhúc nhích, nó sẽ tiếp tục liếm vùng sinh dục để làm sạch và loại bỏ các chất nhầy, máu và chuẩn bị cho việc sinh đứa tiếp theo.
3.6 Mèo mẹ không quan tâm đến mèo con mới sinh
Sau khi mèo con ra ngoài, mèo mẹ thường rất chăm sóc và quan tâm, sau đó tiếp tục rặn đẻ. Bạn có thể cảm nhận nhịp điệu chu kỳ lặp đi lặp lại: mèo mẹ thở dốc, rặn đẻ, liếm mèo con và tiếp tục quá trình rặn đẻ cho đến khi số lượng mèo con đã ra hết. Vì thế, khi thấy mèo con không được mẹ chăm sóc, mà chỉ tập trung rặn đẻ đồng nghĩa với việc mèo chưa đẻ xong.
Việc đỡ đẻ cho mèo không dễ dàng chút nào, đặc biệt đối với những “sen” lần đầu thực hành nhiệm vụ này cho boss cưng của mình. Hy vọng những chia sẻ trên đây của Helipet giúp bạn nắm vững cách đỡ đẻ cho mèo tại nhà hiệu quả và an toàn. Cùng theo dõi Helipet để biết thêm các cách chăm sóc gia đình mèo thật thông minh nhé!
>>> Xem thêm: Mèo đẻ trong bao lâu thì xong?
>>> Xem thêm: Tại sao mèo bị rụng móng, có ảnh hưởng gì đến Boss không?