Mèo chết sau khi triệt sản: Nguyên nhân do đâu, có phổ biến không?
Phan Thanh Trúc
Thứ Hai,
09/09/2024
Nội dung bài viết
Triệt sản cho thú cưng, đặc biệt là mèo, luôn là quyết định quan trọng khiến “sen” cảm thấy đau đầu. Sau phẫu thuật, không ít chủ nuôi lo lắng về các biến chứng có thể xảy ra và thắc mắc liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của boss không? Thậm chí, có trường hợp đáng buồn khi mèo chết sau khi triệt sản mà không rõ nguyên nhân rõ ràng. Vậy, làm thế nào để nhận biết mèo có vấn đề gì sau phẫu thuật và chăm sóc mèo đúng cách, cùng Helipet theo dõi trong bài viết này.
1. Triệt sản mèo là làm gì?
Cũng như triệt sản ở chó, triệt sản mèo làm một ca phẫu thuật nhằm loại bỏ bộ phận sinh sản, cụ thể là buồng trứng ở mèo cái và tinh hoàn ở mèo đực. Vì đây là dạng phẫu thuật phức tạp và khá nguy hiểm, nên đòi hỏi cần được thực hiện bởi bác sĩ thú y có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn tốt nhất cho tính mạng của “hoàng thượng”.
Vậy “có nhất thiết cần phải triệt sản cho mèo?”. Câu trả lời là CÓ. Với cách thức phẫu thuật, triệt sản được xem là phương pháp hiệu quả nhất giúp kiểm soát số lượng mèo và tránh cho mèo bỏ nhà đi theo bạn tình trong những mùa động dục.
Triệt sản cho mèo là phương pháp an toàn để tránh các bệnh lý nguy hiểm
Bên cạnh đó, khi triệt sản cho mèo còn giúp chúng sống lâu, khỏe mạnh hơn, giảm thiểu khả năng mắc bệnh ung thư vú, ung thư tử cung so với những bé không thực hiện triệt sản.
2. Vì sao có mèo chết sau khi triệt sản?
Tưởng chừng hoàn thành phẫu thuật triệt sản là sẽ không còn bận tâm gì nữa, nhưng không phải lúc nào ca phẫu thuật cũng diễn ra suôn sẻ. Nhiều “sen” đã phải đối mặt với nỗi đau mất đi “hoàng thượng” sau khi phẫu thuật do nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ việc chủ quan không kiểm tra tổng quát sức khỏe cho mèo dẫn đến các biến chứng nguy hiểm tiềm ẩn. Vậy những yếu tố nào dẫn đến tình trạng đáng tiếc này, cùng tìm hiểu phần dưới đây.
2.1 Triệt sản trong mùa động dục
Phẫu thuật triệt sản trong thời kỳ động dục là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mèo. Trong khoảng thời gian này, hệ sinh dục của chúng rất nhạy cảm và dễ tổn thương. Đường sinh dục đang sung huyết làm tăng lưu lượng máu khiến cho ca phẫu thuật khó thực hiện hơn. Quan trọng là, nguy cơ mất máu và nhiễm trùng huyết sau phẫu thuật rất cao, ảnh hưởng đến tính mạng, thậm chí là gây tử vong.
Và một lý do khác là hệ miễn dịch của mèo thường suy giảm đáng kể trong mùa động dục. Khi chỉ tập trung chủ yếu vào việc sản xuất các hormone sinh sản sẽ khiến hệ miễn dịch trở nên yếu hơn. Điều này có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng vì cơ thể của thú cưng không thể sức để chống chọi lại các vi khuẩn xâm nhập vào vết mổ.
Không nên triệt sản cho mèo trong mùa động dục vì có thể dẫn đến tử vong
2.2 Sức khoẻ yếu
Mèo có sức khỏe yếu thường đi kèm với hệ miễn dịch yếu, dẫn đến, tỷ lệ phục hồi vết thương rất thấp hoặc rất lâu. Đặc biệt, khi mèo mắc các bệnh lý nền càng làm trầm trọng thêm tình trạng này so với các bé mèo có sức khoẻ tốt. Khi thực hiện phẫu thuật, cơ thể mèo rất khó thích ứng và có nguy cơ cao xảy ra những tình huống bất thường trong quá trình phẫu thuật khiến mèo không qua khỏi mà mất trên bàn mổ.
2.3 Biến chứng sau phẫu thuật
Việc mà mọi chủ nuôi nào cũng lo lắng chính là các biến chứng xảy ra sau phẫu thuật triệt sản, cụ thể:
-
Nhiễm trùng: Do các vi khuẩn xâm nhập vào vết mổ gây viêm nhiễm. Vết mổ sẽ sưng đỏ và chảy mủ. Nếu để lâu, nhiễm trùng sẽ lan rộng đến các cơ quan khác, gây ra nhiễm trùng huyết, một tình trạng nhiễm trùng toàn thân rất nguy hiểm cho tính mạng của mèo và có thể dẫn đến tử vong.
-
Chảy máu trong: Trong quá trình phẫu thuật, các mạch máu bị cắt làm máu chảy ra và tổn thương đến mạch máu. Nếu không cầm máu kịp thời, mèo sẽ mất máu quá nhiều gây chướng bụng, khó thở, sốc và tử vong.
-
Tắc nghẽn khả năng lưu thông: Có thể do cục máu đông hình thành trong tử cung làm giảm khả năng điều hoà lưu thông máu. Hoặc có thể mắc các dị vật trong đường thở khiến mèo khó thở. Cần sơ cứu kịp thời để mèo không bị ngạt thở mà chết.
2.4 Phản ứng với thuốc gây mê
Mặc dù hiếm gặp, nhưng một số mèo bị dị ứng với các thành phần trong thuốc gây mê. Triệu chứng sốc phản vệ có thể xuất hiện trong lúc thực hiện phẫu thuật hoặc sau ca mổ. Vì không hợp nên cơ thể mèo xuất hiện các triệu chứng như: sốc thuốc, tụt huyết áp, buồn nôn, nổi các chấm li ti như dị ứng,...
2.5 Tuổi cao
Cũng giống như con người, mèo càng lớn tuổi thì sức khỏe càng yếu dần, hệ miễn dịch suy giảm và khả năng phục hồi vết thương càng thấp. Điều này càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sau khi triệt sản.
Mèo có tuổi cao sức yếu và có thể tử vong trong quá trình phẫu thuật
2.6 Tay nghề bác sĩ
Một yếu tố quyết định thành công của ca mổ là tay nghề của bác sĩ thú y. Một bác sĩ có tay nghề cao, được đào tạo sẽ thực hiện phẫu thuật một cách an toàn và hiệu quả, và làm giảm tối đa các biến chứng gây ra việc làm mèo chết sau khi triệt sản.
Tổng kết lại, có nhiều yếu tố góp phần khiến mèo không qua khỏi sau phẫu thuật triệt sản. Nhưng may mắn rằng, tỷ lệ mèo chết sau khi triệt sản khá thấp bởi sự phát triển của ngành thú y hiện nay. Một phần cũng nhờ vào chủ nuôi ngày càng quan tâm đến sức khỏe của thú cưng.
Vì vậy, trước khi quyết định triệt sản cho boss, “sen” nên tra cứu và tìm hiểu kỹ tất tần tật về cách thức thực hiện, trung tâm uy tín, kể cả kiểm tra tình trạng mèo có phù hợp để tiến hành phẫu thuật hay không. Nếu có vấn đề nào liên quan đến sức khỏe của mèo trước ca phẫu thuật, cần quyết định không triệt sản. Tuy nhiên, không thể loại từ hoàn toàn khả năng xảy ra các biến chứng sau phẫu thuật. Vì vậy, bạn cần lưu ý dấu hiệu bất thường sau khi mèo triệt sản để biết cách xử lý kịp thời.
Xem thêm: Mèo bị trầm cảm sau triệt sản vì đâu? Cải thiện thế nào?
3. Các dấu hiệu cảnh báo mèo có vấn đề sau khi triệt sản
Sau khi triệt sản xong, mèo cần thời gian để hồi phục lại vết thương. Trong thời gian này, bất cứ dấu hiệu bất thường nào xảy ra ở mèo, bạn cần phải liên hệ ngay với bác sĩ thú y để được hỗ trợ kịp thời, bao gồm các dấu hiệu sau:
3.1 Vết mổ
-
Sưng to, chảy mủ nhiều: Vị trí vết mổ bị sưng tấy, nóng và có mùi hôi khó chịu là dấu hiệu thường thấy của triệu chứng nhiễm trùng nặng. Tình trạng này có thể lan rộng ra những vùng xung quanh vết thương.
-
Vết mổ hở, chảy máu: Vết mổ bị bung hoặc mạch máu bị tổn thương, mèo sẽ bị chảy máu và tăng nguy cơ tử vong.
-
Mèo liếm vết mổ liên tục: Khi mèo liếm vào vết thương, có thể làm trầy xước, khiến vết thương lâu lành và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng.
3.2 Sức khỏe tổng quát
-
Sốt cao: Vết mổ bị nhiễm trùng mà không được điều trị, về sau, vi khuẩn sẽ lây lan ra các cơ quan khác gây phản ứng viêm, suy yếu hệ miễn dịch ở mèo dẫn đến sốt cao kéo dài và có thể tử vong.
-
Nôn mửa, tiêu chảy, phân có máu: Đây là dấu hiệu báo động tình trạng kiệt sức của mèo. Các triệu chứng này do nhiễm trùng đường tiêu hoá hoặc các vấn đề về tiêu hoá sau khi triệt sản. Cơ thể boss thiếu nước trầm trọng, làm hao mòn thể lực và ảnh hưởng đến sức khỏe mèo cưng.
Triệu chứng tiêu chảy là đáng báo động xuất hiện sau khi triệt sản cho mèo
-
Khó thở, thở dốc: Do biến chứng sau phẫu thuật mà phổi bị nhiễm trùng, tim mạch suy yếu dẫn đến tắc nghẽn đường thở.
-
Tiểu ra máu: Khi mèo tiểu ra máu do vấn đề của nhiễm trùng đường tiết niệu sau khi triệt sản, gây tắc nghẽn và đi tiểu trở nên khó khăn hơn.
-
Vùng bụng sưng to: Có thể do tích tụ dịch, hoặc xuất huyết máu bên trong. Nếu mất máu quá nhiều có thể gây ra tử vong.
-
Dấu hiệu bất thường khác: Diễn biến nghiêm trọng hơn là mèo bị co giật và hôn mê trong thời gian phục hồi vết mổ. Nguyên nhân từ tác dụng phụ của thuốc gây mê, có thể làm suy nhược hệ thần kinh, các bộ phận cơ quan bên trong mèo hoặc nguy hiểm hơn là chết.
Xem thêm: Mèo cái triệt sản có giao phối được không?
4. Cách phòng ngừa mèo chết sau khi triệt sản tốt nhất
Muốn boss nhà mình khỏe mạnh và không xảy ra bất kì trường hợp biến chứng nào sau triệt sản, “sen” cần lưu ý một số cách phòng ngừa cụ thể như sau:
-
Lựa chọn trung tâm thú y uy tín: Để tránh tăng nguy cơ gây chết ở mèo sau khi triệt sản, lựa chọn một trung tâm thú y uy tín, chất lượng là điều hết sức quan trọng và là tiên quyết khi quyết định triệt sản cho “hoàng thượng”. Bác sĩ thú ý có kinh nghiệm sẽ làm giảm nguy cơ các biến chứng phẫu thuật.
-
Kiểm tra sức khỏe tổng quát: Sau khi triệt sản, nên cho mèo kiểm tra sức khỏe toàn diện một lần nữa để đảm bảo rằng, tình trạng của mèo vẫn ổn định. Nếu phát hiện có bất kỳ vấn đề bất thường nào xảy ra thì cũng sẽ khắc phục kịp thời.
-
Quan sát mèo sát sao: Theo dõi mèo trong 24 đến 48 tiếng đầu sau ca phẫu thuật triệt sản. Nếu mèo có bất kỳ dấu hiệu bất thường như chảy máu, sốt, khó thở, nôn mửa,... hãy liên hệ ngay với bác sĩ thú y.
-
Vệ sinh vết mổ sau phẫu thuật: Luôn giữ vết mổ khô ráo, tránh cho mèo tiếp xúc liếm láp vết thương. Có thể sử dụng vòng đeo cổ để mèo không với tới được.
Tránh cho mèo tiếp xúc với vết thương có thể dẫn tới nhiễm trùng
-
Thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ: Sau khi triệt sản, cần thực hiện đúng các bước chăm sóc mèo như bác sĩ thú y đã hướng dẫn, bao gồm cả việc cho ăn, uống thuốc, vệ sinh và theo dõi tình trạng sức khỏe.
Như vậy, với bài viết trên, bạn đã biết được những nguyên nhân nào làm mèo chết sau khi triệt sản. Và Helipet mong rằng, trước khi quyết định phẫu thuật triệt sản bạn sẽ suy xét kỹ lưỡng cũng như quá trình chăm sóc mèo khoa học sau phẫu thuật. Theo dõi Helipet để xây dựng cho mình kho tàng kiến thức để tạo cho thú cưng có một môi trường sống tốt nhất nhé!
>> Xem thêm: Mèo sau khi triệt sản không nên ăn gì?
>> Xem thêm: Mèo đẻ xong bao lâu thì triệt sản được?